Bất động sản ngóng metro

Năm dự án đường sát đô thị đã tìm được nguồn vốn đầu tư tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCm, đang có những chuyển động tích cực với mục tiêu đầu tiên: khai thác tuyến Cát Linh – Hà Đông vào năm 2015.

    Năm dự án đường sát đô thị đã tìm được nguồn vốn đầu tư tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCm, đang có những chuyển động tích cực với mục tiêu đầu tiên: khai thác tuyến Cát Linh – Hà Đông vào năm 2015.

    Đường sắt đô thị Hà Nôi, tuyến số 2 Cát Linh – Hà Đông

    Bất chấp những quan ngại về tiến độ, Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2 Cát Linh – Hà Đông vẫn là công trình vận tải bánh sắt có khối lượng thi công lớn nhất xét trên phạm vi cả nước.

    Đây là tuyến đường sắt đô thị hết sức quan trọng trong việc giải quyết ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông tại Thủ đô Hà Nội.

    Tính đến đầu tháng 12/2013, Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, đơn vị được chỉ định làm tổng thầu EPC Gói thầu số 1 trị giá 350,6 triệu USD đã hoàn thành được Gói thầu số 1 mới hoàn thành được 267/421 trụ cầu khu gian, đạt 63%; hoàn thành được 66/112 trụ nhà ga, đạt 54%. Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quóc cũng sắp công bố tên đơn vị trúng thầu cung cấp đoàn tàu cho Dự án.

    Trước đó, theo Quyết định 3136/QĐ – BGTVT ngày 15/10/2008, Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông do Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 8.770 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD), trong đó phần vốn vay của Trung Quốc là 419 triệu USD. Dự án sẽ xây dựng 13km đường sắt chạy trên cao với vận tốc tối đa 80km/giờ, tốc độ bình quân khoảng 35km/giờ.

    Được biết, ngoài việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tổng thầu Trung Quốc còn có nhiệm vụ trang bị 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, chở được khoảng 300 hành khách/lượt.

    Tuyến  đường sắt Cát Linh – Hà Đông có khả năng vận chuyển tối đa 28.000 hành khách/giờ/hướng, có 12 ga trên cao theo thứ tự là Cát Linh – La Thành – Thái Hà – Láng – Đại học Quốc gia – Vành đai 3 – Thanh Xuân 3 – Bến xe Hà Đông cũ – Hà Đông – La Khê - Văn Khê và ga Bến xe Hà Đông mới. Khu Depot đặt tại phường Phú Lương (Hà Đông). Như vậy, tuyến sẽ kết nối một loạt khu đô thị lớn, hiện đại dọc trục đường Nguyễn Trãi - Quốc lộ 6 - Hà Đông.

    Nhằm đảm bảo Dự án có thể hoàn thành, đưa vào vận hành vào tháng 10/2015, Bộ Giao thông - Vận tải vừa thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Dự án do ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải làm trưởng ban với mục tiêu rà soát, giải quyết ngay các vấn đề tồn tại trong hợp đồng EPC và đốc thúc UBND TP. Hà Nội sớm bàn giao những điểm xông địa cuối cùng còn vướng mắc trước tháng 12/2013.

    Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1: Giáp Bát - Gia Lâm

    Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, giai đoạn I do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư là một trong những công trình hạ tầng đô thị được đầu tư bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản có quy mô lớn nhất từng được triển khai tại Hà Nội.

    Sau khi hoàn thành (dự kiến vào năm 2017), Dự án sẽ kết nối nhanh nhất hai chuỗi đô thị lớn tại khu vực Long Biên và phía Nam với trung tâm Thủ đô Hà nội.

    Theo đó, Dự án có tổng mức đầu tư là 19,460 tỷ đồng này sẽ xây dựng mới một tuyến đường sắt đôi trên cao từ Giáp bát tới Gia Lâm với tổng chiều dài 15,36km đi qua 4 quận Long Biên, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hoàng Mai, trong đó: chiều dài các đoạn đi trên cao là 10,57km (cầu cạn và ga trên cao 8,87km, cầu vượt song 1,7km); 3 ga đường sắt quốc gia và 5 ga đường sắt đô thị; depo và các xưởng sửa chữa, bảo dưỡng đầu máy toan xe; kết cấu thượng tầng đường sắt; đầu tư hệ thống thông tin, tín hiệu; điện khí hóa và các công trình đồng bộ khác; mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ tàu khách đô thị.

    Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Dự án đã triển khai thiết kế kỹ thuật từ tháng 10/2009, tuy nhiên hiện đang phải tiến hành điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch của Hà Nội.

    Tính đến quý III/2013, Dự án đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt chỉ giới đường đỏ và ranh giới đất của tổ hợp Ngọc Hồi, chỉ giới đường đỏ hành lang an toàn đường sắt đoạn Giáp Bát - Nam Long Biên; thỏa thuận phương án kiến trúc sơ bộ cho 8 ga đô thị và 3 ga quốc gia là Ngọc Hồi, Giáp Bát, Gia Lâm…

    Cũng liên quan tới công tác thiết kế, hiện Tổng công ty Đường sắt Việt nam đã cơ bản đạt được hướng tuyến, phương án kiến trúc cầu đường sắt sông Hồng; chuẩn bị tiến hành thi tuyển kiến trúc ga Hà Nội…, tạo điều kiện để công trình khởi công trong quý II/2014.

    Đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội

    Theo Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội, Dự án Đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội được khởi công vào tháng 9/2010, có mục tiêu đầu tư là nhằm xây dựng tuyến đường sắt đô thị phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

    Đường sắt đô thị thí điểm sẽ chạy trên tuyến dành riêng với tổng chiều dài 12,5km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5km từ Nhổn đến Thủ Lệ và đoạn ngầm dài 4km từ Thủ lệ đến Ga Hà Nội. Đường sắt đôi, khổ 1,435m. Có 12 ga (8 ga trên cao, 4 ga ngầm). Vận tốc thương mại 33,8km/giờ. Khu depot và trung tâm bảo dưỡng đặt tại xã Tây Tựu và Minh Khai. Tuyến có các ga Nhổn - Cầu Diễn - Mai Dịch - nút giao với đường vành đai 3 - Cầu Giấy - Kim Mã - Cát Linh - Quốc tử Giám - Ga Hà Nội (điểm cuối trên đường Trần Hưng Đạo, trước ga Hà Nội).

    Dự án có tổng mức đầu tư tương đương hơn 20.048 tỷ đồng, gồm: vốn vay ODA của Cộng hòa Pháp 360 triệu EUR (trong đó, vay ưu đãi của Chính phủ Pháp 250 triệu EUR), vay của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) 110 triệu EUR; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 293 triệu EUR; Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) 73 triệu EUR và ngân sách của Việt nam là 130 USD.

    Ban Dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, hiện phần đường Dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, chỉ còn phần đường dẫn vào depot còn vướng mắc giải phóng mặt bằng. Nhà thầu Hàn Quốc đang thực hiện việc xây 4 ga trước dọc từ Đại học Công nghiệp về Quốc lộ 32. Các ga còn lại sẽ thi công sau. Dự án sẽ hoàn thành vào năm 2017.

    Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, TP. HCM (Bến Thành - Suối Tiên)

    Đây là dự án đường sắt đô thị có quy mô vốn đầu tư lớn nhất Việt nam với số vốn lên tới 41.833 tỷ đồng, tương đương 2,2 tỷ USD do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư, bằng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng.

    Dự án sẽ xây dựng 2,6km đi ngầm; 17,1km đi trên cao với 11 ga trên cao, 3 ga ngầm và 1 depot; cung cấp và lắp đặt thiết bị như: đầu máy, to axe, các hệ thống cơ điện, thông tin, tín hiệu, kiểm soát, bán vé tự động…

    Theo Ban quản lý đường sắt đô thị (TP.HCM), đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng của Dự án đã hoàn thành trên địa bàn các quận 1, Bình Thạnh, quận 2, quận 9 và đạt 93% trên địa bàn quận Thủ Đức. Dự kiến, việc giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành trong tháng 10 năm nay để giao  mặt bằng trong nhà thầu thi công.

    Với 4 gói thầu chính của dự án, đến nay, gói thầu 1s (xây dựng đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) đã hoàn thành khảo sát xây dựng, hiện đang hoàn chỉnh thiết kế tiền kỹ thuật và lập hồ sơ mời thầu. Theo kế hoạch, sẽ hoàn tất phê duyệt thiết kế này trong năm 2013, tổ chức đấu chọn thầu trong năm 2014.

    Gói thầu 1b (xây dựng đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son), đến nay đã tiến hành đánh giá hồ sơ dự thầu và trình phê duyệt, dự kiến sẽ hoàn tất đàm phán, ký kết hợp đồng trong quý I/2014.

    Gói thầu số 2 (xây dựng đoạn đi trên cao và depot) khởi công từ tháng 8 năm ngoái, đã thi công khoan cọc đại trà đoạn từ cầu Sài Gòn đến Nút giao Trạm 2 từ tháng 4/2013, nay đã khoan được 500/3.000 cọc nhồi phần cầu cạn, san lấp gần 80% mặt bằng depot. Nhà thầu hiện cũng đang thi công đài cọc, trụ và ga Thảo Điền, ga Phước Long, hoàn tất bãi đúc dầm, đang hoàn chỉnh thiết kế 5 cầu đặc biệt, dự kiến thi công cầu vượt Điện Biên Phủ vào tháng 11/2013, cầu Sài Gòn vào quý II năm sau.

    Gói thầu số 3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy, toa xe…), tháng 6 vừa qua đã hoàn tất đàm phán với nhà thầu Hitachi. Nhà thầu hiện đang bắt đầu thiết kế, chế tạo (dự kiến khoảng 30 tháng).

    Gói thầu số 4 (xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho Văn phòng Công ty Vận hành và Bảo dưỡng đường sắt) hiện chưa được thực hiện, dự kiến triển khai sau năm 2017.

    Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2018.

    Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương)

    Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, quá trình thu xếp vốn cho tuyến metro số 2 rất khó khăn và phức tạp. Vì vậy, sau 6 năm kêu gọi đầu tư, khi được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đồng ý cho vay, UBND TP.HCM đã yêu cầu các địa phương nhanh chóng bàn giao mặt bằng để thi công dự án.

    Do không đủ vốn đầu tư, nên tuyến metro số 2 được chia thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, đoạn Bến Thành - Tham Lương dài 11,322km được xây dựng trước. Trong đó, đoạn đi ngầm dài 9,315km, đoạn chuyển tiếp 0,232km, đoạn đi trên cao 0,778km và một đường nhánh dài 0,997km dẫn vào depot Tham Lương (quận 12, diện tích 26,6ha). Tổng vốn dành cho giai đoạn này là 1.374,5 triệu USD (tương đương 26.100 tỷ đồng) từ nguồn hợp vốn của ADB (540 triệu USD), KfW (313 triệu USD), EIB (195 triệu USD) và vốn đối ứng của TP.HCM là 326,5 triệu USD.

    Đoạn đi ngầm kéo dài từ nhà ga Bến Thành đến nhà ga Phạm Văn Bạch (ngã ba Trường Chinh - Phạm Văn Bạch) được thi công bằng phương pháp khoan ngầm dươi các lòng đường Phạm Hồng Thái, Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh với độ sâu 16 - 30m. Sau đó, tuyến đi trên cao đến trước cầu Tham Lương, rồi rẽ vào depot. Depot Tham Lương được dùng chung cho tuyến metro số 2 và tuyến metro số 6 Bà Quẹo - Vòng xoay Phú Lâm.

    Toàn tuyến có 10 ga ngầm, gồm: Bến Thành, Tao Đàn, Dân Chủ, Hòa Hưng, Lê Thị Riêng, Phạm Văn Hai, Bảy Hiền, Nguyễn Hồng Đào, Bà Quẹo, Phạm Văn Bạch và 1 ga trên cao Tân Bình. Các nhà ga dài khoảng 200m, rộng 36 - 49km.

    Trong giai đoạn II, 2 đầu tuyến sẽ được kéo dài ra. Theo đó, ở đầu ga Bến Thành, tuyến đi dưới lòng sông Sài Gòn sẽ qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Ở phía Tham Lương, tuyến sẽ được kéo dài đến Bến xe An Sương và nối lên khu đô thị Tây Bắc Củ Chi.

    Tuyến metro số 2 sử dụng đoàn tàu tự hành chạy bằng điện năng được cung cấp từ lưới điện Thành phố, tốc độ tối đa 80km/giờ. Thời gian đầu, đoàn tàu có 3 toa xe với sức chứa hpn 800 hành khách sẽ được sử dụng, dự kiến đến năm 2025, sẽ đưa đoàn tàu 6 toa có thể chở hơn 1.600 hành khách vào vận hành. Dự kiến, tàu dừng tại mỗi ga 25 - 30 giây, cứ 5 - 10 phút có 1 chuyến (sau này có thể rút ngắn khoảng 2 phút/chuyến).

    Tư vấn thiết kế dự án là liên doanh Metro Team Line 2 hiện đã cơ bản hoàn thành thiết kế nền tảng toàn bộ nhà ga và phần tuyến ngầm, depot. Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP.HCM đang lập hồ sơ mời thầu các gói thầu xây dựng thuộc dự án. Dự kiến, nhà thầu bắt đầu xây dựng từ năm 2014 và đưa vào vận hành thử vào năm 2018, cùng lúc với tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.